Nhiều em học sinh, sinh viên khi nghe đến chương trình Tin học công nghiệp đã nghĩ rằng đó là một chương trình đào tạo của Viện Công nghệ thông tin và Truyền thông bởi yếu tố “Tin học” rất rõ ràng trong tên gọi của chương trình. Nhưng thực tế đây là một chương trình đào tạo của Viện Điện phối hợp với Trường Đại học Bách Khoa Grenoble trong khuôn khổ chương trình hợp tác Việt - Pháp PFIEV từ 20 năm trước.
Vậy Tin học công nghiệp là gì? Hiểu một cách đơn giản thì đó là việc ứng dụng Tin học trong các lĩnh vực Công nghiệp. Nếu sử dụng công cụ tìm kiếm Google thì có thể dễ dàng tìm thêm được nhiều cách giải thích ở các mức độ khác nhau để hiểu rõ hơn về Tin học công nghiệp. Một trong những cách giải thích cũng khá dễ hiểu là thông qua vai trò của người kỹ sư Tin học công nghiệp , đó là “Kỹ sư Tin học công nghiệp có vai trò giúp các công ty sản xuất hiệu quả và năng suất hơn thông qua việc phát triển, giám sát và nâng cao hiệu quả của các hệ thống tự động” như ở link sau: https://bit.ly/IndustrialInformationEngineer.
Như vậy, tên gọi của chương trình đào tạo là Tin học công nghiệp cho thấy sự gắn kết giữa Tin học và Công nghiệp. Đó là sự vận dụng kiến thức về công nghệ thông tin để tự động hoá và quản lý chất lượng hệ thống trong sản xuất công nghiệp. Để đạt được điều đó, chương trình đào tạo phải cung cấp cho người học các kiến thức về điều khiển, thu thập xử lý thông tin và giám sát hệ thống; các kiến thức về cơ cấu chấp hành, mạng truyền thông công nghiệp; các kiến thức về dự báo, nhận dạng đối tượng. Với kiến thức được trang bị của chương trình đào tạo, người học có khả năng không chỉ giải quyết các bài toán thuần tuý trong công nghiệp mà còn có thể áp dụng vào các hệ thống thông minh khác nhau.
Chương trình Việt - Pháp PFIEV Tin học công nghiệp có ưu điểm nổi bật như sau:
- Đây là chương trình được Hiệp hội kỹ sư CTI của Pháp công nhận và được sự hỗ trợ lâu dài từ phía Chính phủ Pháp.
- Chương trình đào tạo bằng tiếng Việt, có tăng cường đào tạo Tiếng Anh và Pháp cho người học để có thể đủ tự tin bảo vệ đồ án tốt nghiệp trước hội đồng hỗn hợp Pháp – Việt bằng tiếng Anh hoặc Pháp. Khi đó, người học sẽ nhận được phụ lục bằng tốt nghiệp của Pháp.
Trải qua 20 năm, các chương trình đào tạo Việt - Pháp PFIEV trong đó có chương trình Tin học công nghiệp của Viện Điện đã tuyển sinh được 21 khoá với gần 6.300 sinh viên. Từ năm 2004 đến năm 2019, Chương trình PFIEV có 16 khoá tốt nghiệp với khoảng 4.000 kỹ sư, trong đó có hơn 300 sinh viên PFIEV đi du học song bằng và thực tập tốt nghiệp tại các trường đối tác của Pháp theo các nguồn học bổng khác nhau như: học bổng Chính phủ Việt Nam; các học bổng của phía Pháp.
Nguồn ảnh: FB thầy Triệu Việt Linh
Author: Phạm Việt Phương
Reader Comments
Older articles