School of electrical and electronic engineeringhttps://seee.hust.edu.vn/uploads/seee/logo-dhbk-1-02_130_191.png
Wednesday - 07/12/2022 17:00
“Hợp tác lần này sẽ xây dựng nền tảng vững chắc để nâng cao năng lực và thúc đẩy chuyển giao công nghệ, hỗ trợ cho sự hình thành và phát triển của ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi ở Việt Nam”, PGS. Nguyễn Hữu Thanh, Hiệu trưởng Trường Điện – Điện tử, phát biểu khai mạc Lễ ký kết hợp tác.
Lễ ký kết Thỏa thuận hợp tác giữa Trường Điện - Điện tử (Đại học Bách khoa Hà Nội), Trường đại học Kỹ thuật Đan Mạch (Technical University of Denmark) và Công ty về điện gió Ørsted cùng Tập đoàn T&T Group đã diễn ra vào ngày 1/12 dưới sự chứng kiến của Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Thỏa thuận hợp tác ba bên hướng tới tăng cường năng lực đào tạo và nghiên cứu của giảng viên Trường trong việc xây dựng và giảng dạy các môn về Năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió, qua đó cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho thị trường năng lượng tái tạo tại Việt Nam.
Tại buổi lễ, PGS. Nguyễn Hữu Thanh, Hiệu trưởng Trường Điện – Điện tử, phát biểu: “Với mục tiêu trở thành đại học đào tạo và nghiên cứu hàng đầu, chúng tôi tự hào khi được hợp tác với Ørsted, nhà sản xuất điện gió ngoài khơi dẫn đầu toàn cầu, và Trường đại học Kỹ thuật Đan Mạch, đơn vị giáo dục danh giá trên thế giới.”
Theo đó, các hoạt động dự kiến sẽ xoay quanh xây dựng nền tảng cho việc chuyển giao kiến thức và nâng cao năng lực trong nước, và nghiên cứu tác động của điều kiện khí hậu Việt Nam đối với các trang trại điện gió ngoài khơi nhằm giảm chi phí điện gió ngoài khơi tại Việt Nam.
Đặc biệt, các bên sẽ thực hiện các dự án tăng cường năng lực giáo dục và đào tạo nhân lực để tạo điều kiện phát triển cho ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi, đồng thời phát huy tiềm năng và lợi ích mà điện gió ngoài khơi mang lại cho Việt Nam về khía cạnh nghiên cứu và đào tạo.
Năm 2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính đưa ra cam kết mạnh mẽ của Việt Nam hướng tới mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng không vào năm 2050 tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc năm 2021 (COP 26).
Phát triển năng lượng tái tạo là chủ trương lớn Chính phủ, trong đó điện gió ngoài khơi được xác định là giải pháp đột phá trong chuyển dịch năng lượng, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.
Ở vị trí địa lý và điều kiện khí hậu thuận lợi, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có tiềm năng lớn để phát triển điện gió ngoài khơi. Theo Ngân hàng Thế giới (WB) và Cơ quan Năng lượng Đan Mạch, với bờ biển dài và tiềm năng gió dồi dào, điện gió Việt Nam có tiềm năng ước đạt 475GW, trong đó tiềm năng kỹ thuật khoảng 160GW.
Ngày 1/11, Công ty về điện gió Ørsted cùng Tập đoàn T&T Group, và Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia Việt Nam đã ký một biên bản quan trọng về Nâng cao năng lực và Chuyển giao công nghệ cho điện gió ngoài khơi. Biên bản được ký kết với mục tiêu kết nối những nhà nghiên cứu và đơn vị cung cấp giải pháp hàng đầu thế giới về điện gió ngoài khơi với các trường đại học, đơn vị nghiên cứu và doanh nghiệp của Việt Nam trong lĩnh vực này.
“Đây là lý do vì sao tôi cảm thấy rất hào hứng khi được tham dự ký kết với Trường đại học Kỹ thuật Đan Mạch, đơn vị hàng đầu về nghiên cứu năng lượng gió, và Bách khoa Hà Nội, trường đại học kỹ thuật danh giá nhất tại Việt Nam. Tôi tin rằng buổi ký kết này là một khởi đầu tốt đẹp để thực hiện những tham vọng về ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi tại đất nước có rất nhiều tiềm năng trong lĩnh vực này”, ông Sebastian Hald Buhl, Giám đốc quốc gia Orsted Việt Nam cho biết.
Cụ thể, các hoạt động sẽ triển khai trong khuôn khổ hợp tác bao gồm: Nghiên cứu những thách thức công nghệ đối với việc triển khai điện gió ngoài khơi tại Việt Nam; phối hợp công tác nghiên cứu và đào tạo nghiên cứu sinh; xây dựng khóa học thực hiện bởi Đại học Kỹ thuật Đan Mạch cho giảng viên và sinh viên Bách khoa Hà Nội; triển khai các chương trình trao đổi sinh viên và cán bộ giữa hai đơn vị giáo dục đại học.
Bên cạnh đó, các bên tham gia ký kết cùng theo đuổi mục tiêu dài hạn: Thành lập Trung tâm Nghiên cứu Điện gió ngoài khơi tại Việt Nam. Theo PGS. Nguyễn Đức Huy, Trưởng Khoa Điện, Trường Điện – Điện tử, chuyển đổi năng lượng bền vững là một con đường đầy thách thức, nhưng Việt Nam hoàn toàn có khả năng thành công với khung pháp lý đúng đắn và những nỗ lực hợp tác đa phương thiết thực.
Trường Điện - Điện tử thuộc Đại học Bách khoa Hà Nội là một trong những cơ sở hàng đầu cung cấp những sinh viên tốt nghiệp có chứng chỉ và năng lực cho ngành điện nói chung và năng lượng tái tạo nói riêng bao gồm điện gió trong hơn 65 năm qua.
Để thích ứng với những thay đổi mới của ngành năng lượng, đặc biệt sự phát triển của Điện gió trong thới gian tới 2050 như dự thảo Quy hoạch điện 8, Trường Điện - Điện tử đang phát triển các môn học mới như lưới điện thông minh, tích hợp năng lượng tái tạo, năng lượng tái tạo, điều khiển hệ thống năng lượng tái tạo để đưa vào giảng dạy trong những năm học sắp tới.
Ký kết này là một minh chứng cho cam kết của Trường trong định hướng quốc tế hóa, đảm bảo năng lực giảng dạy đào tạo và phối hợp nghiên cứu với các doanh nghiệp trong và ngoài nước để đáp ứng nhu cầu của thị trường quốc tế và góp phần thúc đẩy lộ trình phát triển năng lượng bền vững ở Việt Nam.