Trường Điện - Điện tử hợp tác với doanh nghiệp phát triển đào tạo, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ

Wednesday - 07/12/2022 16:11

Trường Điện – Điện tử hợp tác với doanh nghiệp phát triển đào tạo, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ

Ngày 7/12, Trường Điện - Điện tử, Đại học Bách khoa Hà Nội ký biên bản ghi nhớ với Công ty cổ phần LUMI Việt Nam nhằm thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyên giao công nghệ.

Cụ thể, mục tiêu của thỏa thuận này nhằm khai thác thế mạnh của mỗi bên, cùng hướng tới giải quyết các vấn đề thực tiễn trong lĩnh vực giáo dục, khoa học công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt trong lĩnh vực IoT.
Hợp tác trong đào tạo hướng tới các giải pháp công nghệ mới nhất trong lĩnh vực IoT nói chung và giải pháp Smart Home nói riêng; cung cấp miễn phí các trang thiết bị, sản phẩm của LUMI cho phòng LAB “Nghiên cứu và phát triển giải pháp Smarthome - IOT” phục vụ công tác đào tạo tại cơ sở đào tạo của Trường Điện – Điện tử. Ngoài ra, hai bên sẽ phối hợp trong các dự án nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực IoT và Smart Home, …
Bên cạnh đó, hợp tác hướng tới sử dụng hiệu quả nguồn lực và thế mạnh sẵn có của Nhà trường và doanh nghiệp, huy động nguồn lực từ xã hội phục vụ các hoạt động trong lĩnh vực cả hai bên đều quan tâm.

PGS. Nguyễn Hữu Thanh, Hiệu trưởng Trường Điện – Điện tử phát biểu tại buổi lễ ngày 7/12. Ảnh: Trần Trang.
PGS. Nguyễn Hữu Thanh, Hiệu trưởng Trường Điện – Điện tử chia sẻ: “Thông qua các tài trợ của LUMI, hy vọng sinh viên có thể giải quyết một số bài toán, hiểu biết thêm về Smart Home. Qua đó, đôi bên sẽ có thêm các hoạt động hợp tác khác nữa”.
Công ty cổ phần Lumi Việt Nam được thành lập ngày 27/4/2012, xuất phát từ niềm đam mê nghiên cứu khoa học của 3 cựu thành viên Robocon năm 2008, Đại học Bách khoa Hà Nội. Trải qua 9 năm nghiên cứu, phát triển và sản xuất, đến nay LUMI đã trở thành thương hiệu hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực nhà thông minh.
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch HĐQT LUMI Việt Nam phát biểu tại buổi lễ: “Từ cơ hội tham gia Robocon 2008, cùng sự đào tạo của thầy cô Bách khoa, kiến thức của tôi đã vững hơn rất nhiều. Tôi mong muốn bằng khả năng của mình có thể tạo ra một sản phẩm có giá trị và do đó, LUMI được thành lập, với sự ảnh hưởng rất lớn từ Bách khoa Hà Nội”.
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch HĐQT LUMI Việt Nam phát biểu tại buổi lễ ngày 7/12.
Ảnh: Trần Trang.

Chủ tịch LUMI Việt Nam hy vọng rằng LUMI có thể đóng góp cho Nhà trường về chương trình đào tạo, kiến thức chuyên môn qua trải nghiệm thực tế, giúp sinh viên tự tin hơn, yêu ngành nghề mình đang theo đuổi và tạo ra nhiều sản phẩm “make in Việt Nam” hơn nữa.
Cũng tại buổi lễ, Trường Điện – Điện tử và LUMI Việt Nam khai trương phòng thí nghiệmđược tài trợ trị giá 385 triệu bao gồm trang thiết bị, học liệu, bài thí nghiệm trong lĩnh vực hệ thống nhúng và IoT.
Theo dự kiến, giảng viên Trường Điện – Điện tử sẽ kết hợp với kỹ thuật viên của Công ty LUMI tổ chức một khóa học về hệ thống nhúng và IoT cho sinh viên, giúp các bạn tiếp cận gần hơn với thương mại hóa sản phẩm và thị trường lao động.
Tăng cường hợp tác doanh nghiệp là 1 trong số 10 nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm của giai đoạn phát triển 2021-2025 của Đại học Bách khoa Hà Nội. Năm học 2022-2023, Đại học Bách khoa Hà Nội đặt mục tiêu kết nối chặt chẽ với doanh nghiệp trong đào tạo và nghiên cứu, thực hiện triển khai mô hình “Học kỳ doanh nghiệp”.
Trường Điện – Điện tử là đơn vị đào tạo và nghiên cứu nòng cốt trong lĩnh vực Điện – Điện tử, có tính tự chủ cao thuộc Đại học Bách khoa Hà Nội, có chức năng chính là đào tạo cấp bằng, nghiên cứu khoa học và chuyển giao tri thức trong lĩnh vực chuyên môn Điện – Điện tử, kỹ thuật đa phương tiện.
Việc Trường Điện – Điện tử, Đại học Bách khoa Hà Nội hợp tác với doanh nghiệp giúp phát triển các kỹ năng thực tế cho sinh viên, đồng thời đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao thị trường lao động.

Nguồn: Đại học Bách khoa Hà Nội.

 

Total notes of this article: 0 in 0 rating

Click on stars to rate this article

  Reader Comments

Security Code   
You did not use the site, Click here to remain logged. Timeout: 60 second