Thành công đến từ đam mê và sự kiên định theo đuổi con đường nghiên cứu
Từ khi là sinh viên năm 2, Đỗ Hoàng Khôi - sinh viên năm cuối khoá K65 Trường Điện - Điện tử, ĐH Bách khoa Hà Nội đã bắt đầu quan tâm đến các hoạt động nghiên cứu khoa học. Đề tài đầu tiên em nghiên cứu phân loại các tổn thương về da cho cơ thể con người dựa trên hình ảnh và sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo áp dụng vào đời sống.
Là sinh viên có lực học khá, tuy nhiên khi tham gia nghiên cứu khoa học Khôi cũng gặp không ít khó khăn. Có hai cái khó khăn lớn nhất mà sinh viên sẽ gặp phải: Thứ nhất, đấy là bản thân sinh viên mới chập chững vào trường cũng chưa biết cách thức nghiên cứu khoa học sao cho đúng. Cái thứ hai là khó khăn về cơ sở vật chất, Khôi chia sẻ.
Đỗ Hoàng Khôi và niềm vui vì thành quả nghiên cứu khoa học
Những khó khăn mà cậu sinh viên năm hai gặp phải khi tham gia nghiên cứu khoa học được tháo gỡ bởi chính các thầy cô dạy em - những người có kinh nghiệm nhiều năm "vượt khó" nghiên cứu khoa học. Nên nói như lời Khôi - "chỉ còn là vấn đề thời gian thôi", còn về cơ sở vật chất thì ĐH Bách Khoa luôn tạo điều kiện tốt nhất cho các hoạt động khoa học của thầy cô cũng như sinh viên. Khôi và các bạn có đam mê nghiên cứu khoa học được trường tạo điều kiện hết sức để tiếp cận với những công nghệ mới nhất để có thể hoàn thành được công trình nghiên cứu của mình.
Hơn 4 năm là sinh viên ĐH Bách Khoa, chàng trai đam mê khoa học này có gia tài khoa học đáng nể. Khôi đã tham gia nghiên cứu 5 đề tài khoa học giá trị được công bố trên những tạp chí khoa học uy tín, hiện tại em còn "vốn liếng" 3-4 đề tài chưa công bố.
Năm nay, Khôi đem đề tài "Bóc tách các cái vật thể ở trong bức ảnh" đi thi. Giới thiệu về đề tài nghiên cứu của mình, Khôi hóm hỉnh: "Một bức ảnh sẽ có rất là nhiều vật thể trong đấy. Điển hình là bài toán cho xe tự hành thì mình sẽ phải bóc tách ra cây cối, đường đi để từ đó làm thông tin để xây dựng thuật toán cho xe có thể di chuyển được, xe tự lái được. Vấn đề mà em giải quyết đấy là vấn đề là ở trong bức ảnh nó có rất nhiều các cái vật thể nhỏ khó xác định thì bản thân em xây dựng một cái hàm tối ưu mới để có thể phục vụ cho việc là giúp mô hình AI học tập tốt hơn trên những cái tập thể nhỏ đó."
Đề tài này lại đem về cho chàng trai này cơn mưa giải thưởng từ giải thưởng cấp trường đến giải thưởng cấp đại học và 3 giải sinh viên nghiên cứu khoa học cấp Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Gương mặt rất sáng, ánh mắt thông minh và nụ cười hồn nhiên nhưng không kém phần kiên định, Khôi đến với khoa học, chinh phục các thầy bởi sự đam mê và quyết tâm, chinh phục các cuộc thi bằng sản phẩm khoa học sáng tạo và có tính ứng dụng thực tiễn cao chính là nhờ kiến thức nền và sự kiên định quyết tâm theo đuổi ý tưởng nghiên cứu của mình.
Với Khôi để làm nghiên cứu khoa học thì sinh viên cần phải có cái kỹ năng nhưng tố chất quan trọng nhất chính là sự kiên định. Con đường làm khoa học chông gai thử thách, thất bại nhiều mới có được thành công. Với Khôi là sự kiên trì cho các thử nghiệm, nói như lời Khôi "làm khoa học cũng một phát ăn ngay mà mình phải thử nghiệm rất nhiều. Thử nghiệm hết lần này, lần khác như cái đề tài vừa rồi thì số lần, số thí nghiệm mà em thực hiện nó có thể lên đến hàng vài nghìn để có thể ra được kết quả nó thực sự là chỉn chu cũng như là đầy đủ để có thể nộp cái công bố đó vào những hội nghị top đầu của của ngành không chỉ ở Việt Nam cũng như trên thế giới."
Tham gia nghiên cứu khoa học và có được những thành công không chỉ đem lại niềm vui cho em và thầy cô, gia đình mà chính niềm đam mê ấy thúc đẩy Khôi quyết tâm đi tiếp con đường khoa học. Với CV khá "đỉnh" bởi những bài báo quốc tế, Khôi đã nhận được những học bổng toàn phần từ các trường ĐH danh tiếng, em chỉ chờ bảo vệ tốt nghiệp là lên đường đi học tiến sĩ ở Ireland. Đi học tiếp bởi muốn tiếp tục nghiên cứu, muốn "từ cái lõi của vấn đề" có được những công trình nghiên cứu lớn hơn, chất lượng hơn.
Tiếp tục đi theo con đường khoa học
Chia sẻ với các em khóa dưới về kinh nghiệm khi tham gia nghiên cứu khoa học sinh viên, Khôi cho rằng: "Vấn đề lớn nhất của các bạn sinh viên là làm sao tìm được ra một chủ đề, một góc độ nghiên cứu phù hợp và và nó kích thích các bạn ấy. Em cũng tự tìm cho mình những chủ đề mà bản thân em cảm thấy thích. Một khi đã thích rồi thì mình sẽ lao đầu vào làm thôi!"
TS Nguyễn Việt Dũng, giảng viên trường Điện - Điện tử, ĐH Bách khoa Hà Nội người trực tiếp hướng dẫn Khôi thực hiện nhiều đề tài khoa học rất " ưng " chàng sinh viên của mình. Thầy đã từng hướng dẫn Khôi và nhóm bạn học sinh trường THPT Kim Liên tham gia cuộc thi khoa học kỹ thuật cho các học sinh trung học. Năm đó Khôi đã đạt được giải nhất quốc gia và được đi tham gia vòng chung kết tại Mỹ.
Có cả quãng thời gian dài làm việc với Khôi, thầy Dũng nhận thấy Khôi luôn chủ động, sáng tạo trong công việc, thầy chỉ vạch ra đường hướng còn Khôi rất chủ động thực hiện. Quá trình học ở trường Điện - Điện tử phù hợp với sở thích, nguyện vọng của Khôi nên em vẫn giữ được sự tích cực, sự chủ động trong công việc, luôn luôn trao đổi với thầy về ý tưởng và cách thực hiện. Bên cạnh đó, Khôi luôn có sự kết nối với cả các thầy cô khác để xin những ý kiến tư vấn và kết quả đã đạt được thành tựu rất đáng ghi nhận bằng những bài báo quốc tế và các giải thưởng cao tại các cuộc thi.
TS Nguyễn Việt Dũng, giảng viên trường Điện - Điện tử, ĐH Bách khoa Hà Nội và những học trò của mình chung vui cùng Đỗ Hoàng Khôi
Năm nay, lần thứ 2 Khôi đã được giải Nhất sinh viên khoa học cấp trường và giải Ba của sinh viên Nghiên cứu khoa học cấp Bộ. Đó là cũng là một trong những nền tảng có thể giúp Khôi tiếp tục con đường học tập nghiên cứu của mình.
Theo thầy Dũng, Đại học Bách khoa, trường Điện - Điện tử trong suốt những năm vừa qua luôn luôn tạo ra những cuộc thi cho các bạn sinh viên có thể tham gia gia nghiên cứu khoa học. Bên cạnh đó là vấn đề cơ sở vật chất cũng đã dần dần được nâng cấp, tiếp cận đến những trang thiết bị của khu vực, thế giới. Các thầy cô rất cởi mở, khuyến khích các em sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học từ sớm. Qua quá trình nghiên cứu đó sinh viên có thể tích lũy được dần những kinh nghiệm và có thể tham gia sâu hơn vào những đề tài nghiên cứu cùng với các thầy cô.
Việc khuyến khích, định hướng nghiên cứu và tạo cơ hội cho các bạn trẻ như Khôi có cơ hội được tiếp cận với những định hướng mới cũng như có cái nhìn ở những cái góc độ mới trong cuộc sống từ đó có những hướng đi sáng tạo. Và chính những phong trào nghiên cứu khoa học, những cuộc thi sáng tạo trẻ được các trường ĐH, các Bộ, ngành tổ chức là môi trường tốt cho các bạn sinh viên có cơ hội trải nghiệm và xác định hướng đi của mình trong tương lai.
https://vov2.vov.vn/giao-duc-dao-tao/chang-trai-vang-co-nhieu-giai-thuong-nghien-cuu-khoa-hoc-48716.vov2?fbclid=IwZXh0bgNhZW0CMTEAAR04Ss4Z3AQQI2JHFwWkaaiDgvbdTfi7waUPcSLE94JWxEvh_rj3RZmCvcY_aem_AbKKknukWvq50Ivms9gM5E2waGhK8huCvZ8eA4yFFa8xHWNCsXNRDqFLDbYyZ6ixX8bepfsSem2j5AGGP2HcNnR1