Chương trình Việt - Pháp PFIEV Tin học công nghiệp
Chương trình Việt - Pháp PFIEV Tin học công nghiệp và Tự động hóa sẽ được xét tuyển với thông tin như sau:
- Mã xét tuyển EE-EP, EE-EPx, EE-EPy;
- Tổ hợp xét tuyển: A00, A01, D29, K00;
- Chỉ tiêu: 40
Chương trình Việt - Pháp PFIEV Tin học công nghiệp và tự động hóa là gì?
Nhiều em học sinh, sinh viên khi nghe đến chương trình Tin học công nghiệp đã nghĩ rằng đó là một chương trình đào tạo của Viện Công nghệ thông tin và Truyền thông bởi yếu tố “Tin học” rất rõ ràng trong tên gọi của chương trình. Nhưng thực tế đây là một chương trình đào tạo của Viện Điện phối hợp với Trường Đại học Bách Khoa Grenoble trong khuôn khổ chương trình hợp tác Việt - Pháp PFIEV từ 20 năm trước. Trong năm 2020, tên của chương trình đã được đổi thành Tin học công nghiệp và Tự động hóa nhằm mục đích giúp các em học sinh hiểu rõ hơn về
Vậy Tin học công nghiệp và tự động hóa là gì? Hiểu một cách đơn giản thì đó là việc ứng dụng Tin học trong các lĩnh vực Công nghiệp và/hoặc ứng dụng Tin học trong tự động hóa. Nếu sử dụng công cụ tìm kiếm Google thì có thể dễ dàng tìm thêm được nhiều cách giải thích ở các mức độ khác nhau để hiểu rõ hơn về Tin học công nghiệp và tự động hóa. Một trong những cách giải thích cũng khá dễ hiểu là thông qua vai trò của người kỹ sư Tin học công nghiệp và tự động hóa, đó là “Kỹ sư Tin học công nghiệp và tự động hóa có vai trò giúp các công ty sản xuất hiệu quả và năng suất hơn thông qua việc phát triển, giám sát và nâng cao hiệu quả của các hệ thống tự động” như ở link sau: https://bit.ly/IndustrialInformationEngineer.
Như vậy, tên gọi của chương trình đào tạo là Tin học công nghiệp và tự động hóa cho thấy sự gắn kết giữa Tin học và Công nghiệp, tự động hóa. Đó là sự vận dụng kiến thức về công nghệ thông tin để tự động hoá và quản lý chất lượng hệ thống trong sản xuất công nghiệp. Để đạt được điều đó, chương trình đào tạo phải cung cấp cho người học các kiến thức về điều khiển, thu thập xử lý thông tin và giám sát hệ thống; các kiến thức về cơ cấu chấp hành, mạng truyền thông công nghiệp; các kiến thức về dự báo, nhận dạng đối tượng. Với kiến thức được trang bị của chương trình đào tạo, người học có khả năng không chỉ giải quyết các bài toán thuần tuý trong công nghiệp mà còn có thể áp dụng vào các hệ thống thông minh khác nhau.
Chương trình Việt - Pháp PFIEV Tin học công nghiệp và tự động hóa có ưu điểm nổi bật như sau:
- Đây là chương trình được Hiệp hội kỹ sư CTI của Pháp công nhận và được sự hỗ trợ lâu dài từ phía Chính phủ Pháp.
- Chương trình đào tạo bằng tiếng Việt, có tăng cường đào tạo Tiếng Anh và Pháp cho người học để có thể đủ tự tin bảo vệ đồ án tốt nghiệp trước hội đồng hỗn hợp Pháp – Việt bằng tiếng Anh hoặc Pháp. Khi đó, người học sẽ nhận được phụ lục bằng tốt nghiệp của Pháp.
Trải qua 20 năm, các chương trình đào tạo Việt - Pháp PFIEV trong đó có chương trình Tin học công nghiệp nay là Tin học công nghiệp và tự động hóa của Viện Điện đã tuyển sinh được 21 khoá với gần 6.300 sinh viên. Từ năm 2004 đến năm 2019, Chương trình PFIEV có 16 khoá tốt nghiệp với khoảng 4.000 kỹ sư, trong đó có hơn 300 sinh viên PFIEV đi du học song bằng và thực tập tốt nghiệp tại các trường đối tác của Pháp theo các nguồn học bổng khác nhau như: học bổng Chính phủ Việt Nam; các học bổng của phía Pháp.
Các kiến thức được trang bị trong quá trình học?
Sinh viên theo học chương trình Việt - Pháp PFIEV Tin học công nghiệp và tự động hóa được trang bị các kiến thức sau:
- Sinh viên sẽ làm chủ các hệ thống Đo lường, Điều khiển trong các lĩnh vực công nghiệp, quốc phòng, giao thông, môi trường, y tế, dân dụng. Với khối kiến thức cơ bản trang bị các kiến thức: Lý thuyết mạch điện, điện tử; Kiến thức về cảm biến và đo lường; Mạng cảm biến và hệ thống mạng công nghiệp; Quản lý công nghiệp; Phương pháp điều khiển truyền thống và hiện đại; Kỹ thuật lập trình và quản lý dữ liệu (lập trình các chip vi điều khiển, vi xử lý, lập trình các hệ điều khiển logic);
- Có khả năng tư duy và sáng tạo đáp ứng yêu cầu chuyên môn của phát triển nền công nghiệp hiện đại 4.0, Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), làm việc với các tập đoàn lớn trong và ngoài nước.
Các vị trí việc làm tiêu biểu sau khi tốt nghiệp Chương trình EE-EP?
Tốt nghiệp chương trình Việt - Pháp PFIEV Tin học công nghiệp và tự động hóa, sinh viên có khả năng làm việc tại các vị trí việc làm sau:
- Nghiên cứu tại các trung tâm, các viện nghiên cứu, các trường đại học trong và ngoài nước;
- Nghiên cứu, thiết kế, phát triển sản phẩm tại các tập đoàn, các công ty có vốn đầu tư nước ngoài (FDI);
- Nghiên cứu, thiết kế, phát triển sản phẩm tại các công ty doanh nghiệp trong lĩnh vực Đo lường – Điều khiển;
- Nghiên cứu, quản lý kỹ thuật tại các cơ quan thuộc tổng cục, chi cục kiểm định đo lường chất lượng các tỉnh và thành phố.
Phụ trách tư vấn chuyên sâu về CTĐT:
EE-EP – Tin học công nghiệp và Tự động hóa (Chương trình Việt – Pháp PFIEV)
Giám đốc CTĐT: TS. Nguyễn Thanh Hường;
Email: huong.nguyenthanh3@hust.edu.vn;
Điện thoại: 0904 466 684