EE-E18-Hệ thống điện và năng lượng tái tạo

Thứ bảy - 07/09/2024 17:42
Chương trình tiên tiến Hệ thống điện và Năng lượng tái tạo của Trường Điện-Điện tử là một chương trình đào tạo mới, được tách ra từ Chương trình tiên tiến Điều khiển – Tự động hóa và Hệ thống điện (EE-E18) nhằm đáp ứng nhu cầu đang rất lớn về nguồn nhân lực chất lượng cao được đào tạo bài bản cho chuyên ngành Hệ thống điện và lĩnh vực chuyên sâu các nguồn Năng lượng tái tạo
EE E18 new
EE E18 new
 
Giới thiệu
Chương trình tiên tiến Hệ thống điện và Năng lượng tái tạo tuyển sinh với các thông tin như sau:
  • Mã ngành: EE-E18
  • Xét tuyển tài năng: Xét tuyển bằng Giải thưởng HSG QG-QT (diện 1.1) /Chứng chỉ Quốc tế (diện 1.2)/HSNL & phỏng vấn (diện 1.3)
  • Xét tuyển theo kết quả kỳ thi đánh giá tư duy (TSA):  K00
  • Xét tuyển theo kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT: A00, A01
  • Chỉ tiêu tuyển sinh: 50
  • Ngôn ngữ đào tạo: Tiếng Anh
  • Thời gian đào tạo: 4 năm (cử nhân) – 5,5 năm (Thạc sĩ) (Số tín chỉ 132-180tín chỉ)
  • Học phí: 33-42 triệu đồng/năm
Chương trình đào tạo
Chương trình tiên tiến Hệ thống điện và Năng lượng tái tạo thuộc mã ngành Kỹ thuật điện của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội được xây dựng dựa theo chương trình đào tạo ngành Kỹ thuật điện, chuyên sâu hệ thống điện và năng lượng tái tạo của các trường đại học Úc và Mỹ. Mã ngành EE-E18 được thực hiện theo chương trình tích hợp cử nhân – thạc sỹ (sau khi tốt nghiệp cử nhân với 132 tín chỉ, sinh viên có thể lựa chọn học lên thạc sĩ để đủ 180 tín chỉ). Một số học phần của chương trình đào tạo sẽ được giảng dạy bởi các giáo sư nước ngoài có uy tín. Sinh viên theo học chương trình tiên tiến Hệ thống điện và Năng lượng tái tạo có nhiều lợi ích: có cơ hội được tham gia các Lab nghiên cứu từ sớm; cơ hội nhận học bổng có giá trị từ các công ty và doanh nghiệp; có cơ hội được tham gia các chương trình trao đổi sinh viên, thực tập kỹ thuật tại các trường đại học và công ty uy tín trong và ngoài nước. Sinh viên sẽ được trang bị những kiến thức: Lý thuyết mạch điện – điện tử; Hệ thống cung cấp điện; Quy hoạch và thiết kế hệ thống điện; Phân tích, bảo vệ và điều khiển hệ thống điện; Thiết kế, vận hành các nhà máy điện và trạm biến áp; Tự động hóa trong hệ thống điện; Tích hợp các nguồn năng lượng tái tạo (năng lượng gió, mặt trời…) vào hệ thống điện;; Lưới điện thông minh (Micro Grid, Smart Grid); Hiệu quả năng lượng; Khoa học dữ liệu ứng dụng trong năng lượng..
Học bổng
Sinh viên có nhiều cơ hội nhận học bổng trong khi học Cử nhân của Trường ĐHBK, học bổng từ các công ty, tập đoàn trong và ngoài nước EVN,  kinh phí hỗ trợ khi thực tập tại các tập đoàn EVN, OWC (Anh), EDF (Pháp) , Toshiba (Nhật Bản),…  học bổng trao đổi sinh viên tại nước ngoài theo các chương trình: Shibaura, Doshisha, AUN/SEED-Net, Đài Loan, các Lab có hợp tác với khoa Điện... Sau khi tốt nghiệp, có cơ hội học nhận học bổng tiếp tục học các bậc cao hơn như Thạc sĩ và Tiến sĩ trong nước và nước ngoài tại  châu Âu, Úc, Mỹ, Canada, Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc theo các học bổng chính phủ và Lab nghiên cứu có mối quan hệ với Khoa Điện.
Kỹ năng đạt được sau khi tốt nghiệp
Với các kiến thức được trang bị trong quá trình đào tạo, khi tốt nghiệp Chương trình tiên tiến Hệ thống điện và Năng lượng tái tạo, sinh viên có khả năng thực hiện các công việc sau:
Tính toán, điều khiển hệ thống điện quốc gia, các miền, vận hành thị trường điện;
Tư vấn, thiết kế lưới điện, nhà máy điện và trạm biến áp; các hệ thống điện gió, điện mặt trời;
Quản lý, vận hành và bảo dưỡng lưới điện, nhà máy điện, trạm biến áp, các hệ thống điện gió và điện mặt trời;
Thiết kế, quản lý, vận hành hệ thống điện trong các tòa nhà cao tầng, nhà máy công nghiệp;
Quản lý, giám sát, thi công xây lắp các công trình điện, các dự án điện năng lượng tái tạo;
Nghiên cứu phát triển lưới điện thông minh; hệ thống giám sát và điều khiển hiện đại.
Các vị trí việc làm tiêu biểu sau khi tốt nghiệp
Các cán bộ thuộc các Bộ Ban ngành phụ trách năng lượng như Cục điều tiết Điện lực, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững thuộc Bộ công thương, Bộ Tài nguyên môi trường, Bộ xây dựng,…, các Sở công thương ở các địa phương.
Cán bộ vận hành tại các trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia, điều độ miền, các nhà máy điện, các công ty điện lực tỉnh/thành phố, các nhà máy điện tái tạo như điện mặt trời, điện gió, sinh khối;
Cán bộ thiết kế tại các công ty tư vấn thiết kế công trình điện, xây lắp điện, các nhà máy nhiệt điện, thủy điện, điện gió, điện mặt trời; các doanh nghiệp nhà nước phụ trách quy chuẩn an toàn điện thuộc Bộ công thương, Bộ xây dựng;
Các công ty tư nhân trong và ngoài nước tư vấn, thiết kế, nghiên cứu các giải pháp về lưới điện thông minh, tự động hóa hệ thống điện;
Cán bộ nghiên cứu, thiết kế, vận hành tại các tập đoàn trong và ngoài nước trong lĩnh vực hệ thống điện và năng lượng tái tạo;
Cán bộ nghiên cứu, giảng dạy tại các trường đại học, các viện nghiên cứu.
Đi du học bậc sau đại học, sinh sống và làm việc ở nước ngoài.
Phụ trách tư vấn chuyên sâu về CTĐT
EE-E18 – Hệ thống điện và Năng lượng tái tạo (Chương trình tiên tiến)
Giám đốc CTĐT: PGS. TS. Nguyễn Đức Tuyên
Email: tuyen.nguyenduc@hust.edu.vn
Điện thoại: 0986 509059
   
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây